Chúng tôi tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu chống xâm lược Trung Cộng
Hoàng Hưng
Ảnh minh họa: PV Bauxite Việt Nam
Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Tối
qua, được cú phôn của Lưu Trọng Văn: “Ngày mai 8 giờ tại tượng Trần
Hưng Đạo…”. Cảm ơn anh đã nhắc. Không phải ai cũng nhớ ngày này 34 năm
trước (17/2/1979) triều đình Trung Cộng đã xua nửa triệu quân bất thần
xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía bắc nước ta. Không nhớ ngày ấy,
tôi cũng đáng trách y như nhiều người chúng ta đã bị những chuyện vụn
vặt hàng ngày che lấp mối nguy vẫn đe dọa độc lập, chủ quyền của đất
nước trong suốt ngàn năm. Vô cùng cảm ơn các vị nhân sĩ, trí thức luôn ý
thức nhắc nhở toàn dân về mối nguy đó, cũng như về lòng tri ân các liệt
sĩ, lòng yêu thương những đồng bào đã ngã xuống trong các cuộc chiến mà
bọn Trung Cộng tham tàn gây ra chống lại nhân dân ta. Chỉ vì sự quên
lãng này mà những người lãnh đạo quốc gia đã đưa cả dân tộc dấn sâu từng
bước vào cái thòng lọng “16 chữ vàng” đang ngày càng siết chặt cổ họng
mình. Chỉ vì sự quên lãng này mà bao nhiêu người dân chỉ vì món lợi nhỏ
mọn trước mắt đã vô tình tiếp tay cho bọn bành trướng áp đảo nền kinh tế
non yếu, thôn tính cả đời sống văn hóa của nước nhà.
Nhà
tôi ghé chợ Tân Mỹ chọn kỹ lưỡng hai bó hoa thật đẹp. Sau một lúc tự
hỏi vì sao hai bó, tôi chợt hiểu. Nhà tôi nhớ đến hai người em trai út
của mình đã hy sinh, một em ở biên giới phía Nam năm 1978, một em ở biên
giới phía Bắc năm 1984. Đều là tội ác trực tiếp và gián tiếp của Trung
Cộng.
Gần 8 giờ mà khu vực tượng Trần Hưng Đạo
trên bến Bạch Đằng không thấy bóng ai. Điện thoại hỏi lại Văn. Thì ra
mọi người lác đác tới nhưng đều “ém” trong các quán cà phê quanh đấy, để
đúng 8 giờ 30 mới bất ngờ tập hợp và trưng ra các vòng hoa tưởng niệm.
Thật xót xa cay đắng. Có thể nào trên một đất nước độc lập, lòng yêu
nước lại phải hoạt động bí mật thế này?
Ngồi chờ đến giờ G
Quán
“Vườn Kiểng” bên sông là nơi tập kết cuối cùng. GS Tương Lai chống gậy
bước vào cùng với GS Chu Hảo vừa từ Thái Lan về đêm qua. Rồi các cựu
lãnh tụ sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu; luật sư
Trần Quốc Thuận, nhà văn Phạm Đình Trọng, PGS TS Vũ Trọng Khải, nguyên
Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng Kha Lương Ngãi, TSKH Phạm Văn
Đỉnh, kỹ sư Tô Lê Sơn, nhà văn Bùi Bình Triết, nhà nghiên cứu văn hóa
Nguyễn Thị Khánh Trâm, nhà giáo Lê Khánh Đắc, PGS TS Hoàng Dũng… Đây
rồi, anh Cao Lập và các anh các chị đem vào những vòng hoa và bắt đầu
cài lên những bảng chữ được giấu kỹ trước đó: “Tưởng nhớ đồng bào chiến
sĩ đã hy sinh chống Trung Quốc xâm lược”, “Đời đời nhớ ơn anh hùng liệt
sĩ chiến tranh biên giới phía Bắc 1979”, đầy đủ nhất là “Tưởng nhớ những
người con yêu của Tổ quốc đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân
xâm lược Trung Quốc tại biên giới phía Bắc, biên giới phía Nam, tại
Hoàng Sa, Trường Sa”.
Chuẩn bị khẩu hiệu
Bắt đầu đi
Đúng
8 giờ 30, mọi người từ quán kéo ra, sang vườn hoa Đức Trần Hưng Đạo.
Được biết, mấy hôm trước, mấy anh khởi xướng bàn nhau xem nên tập họp ở
đâu. Thoạt có người muốn đến tượng Hồ Chí Minh ở trung tâm thành phố,
nhưng đa số phản đối, muốn tìm một biểu tượng của cả dân tộc trong lịch
sử chống xâm lăng Trung Quốc (nếu là nhân vật đương đại, thì Lê Duẩn xem
ra có thể được, nhưng… không ai từng thấy có tượng ông này ở đâu!).
Cuối cùng Đức Thánh Trần, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là biểu
tượng oai hùng bậc nhất của chiến thắng Bắc xâm, cũng là tiêu biểu cho
triều đại (nhà Trần) của tinh thần Diên Hồng toàn dân một lòng Sát Thát.
Đến tượng đài Trần Hưng Đạo
Trước tượng đài Đức Thánh Trần
Các
vòng hoa, các bó hoa tươi thắm như tấm lòng của chúng tôi tưởng nhớ đến
các cô chú, các anh chị, các em, các cháu hiền lành vô tội đã ngã xuống
trên mảnh đất quê hương Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn… năm ấy dưới hòn
đạn, lưỡi dao hung bạo của bọn lang sói mặt người, tưởng nhớ đến các anh
các chị dân quân địa phương đã anh dũng chống trả một lực lượng lấy
thịt đè người, tưởng nhớ đến anh em chiến sĩ đã lấy máu mình giữ từng
tấc đất tấc biển của ông cha ở Vị Xuyên (Hà Giang), Tràng Định (Lạng
Sơn), biên giới Cao Bằng, các đảo Cô Lin, Gạc Ma… (Trường Sa), đảo Hoàng
Sa, biên giới Tây Nam. Xin các cô chú, anh chị em, các cháu nhận lấy
lòng thành của chúng tôi và hãy tin rằng sự hy sinh của các vị không bao
giờ bị quên lãng, xin hãy tin rằng sẽ đến một ngày sự hy sinh cao cả ấy
được vinh danh công khai long trọng trên toàn đất nước một khi những kẻ
hèn nhát và vô ơn phải cúi đầu trước uy vũ của toàn dân.
Đúng
lúc mọi người xếp hàng bên các vòng hoa chụp ảnh kỷ niệm thì bất ngờ
tất cả các cột nước ở bể nước dưới chân tượng Đức Trần tung lên cao
trắng xóa như hưởng ứng! Đây là sự ủng hộ ngầm của những người phụ trách
công viên hay sự tình cờ tuyệt đẹp, hay có gì mang yếu tố tâm linh?
Cũng
là lúc mấy tay chụp ảnh quay phim lạ mặt xông vào “tác nghiệp”, đồng
thời từ xa xa tiến lại mấy khuôn mặt, những kẻ “ai cũng biết là ai”.
GS
Tương Lai tiến lên trước, dõng dạc tuyên bố ngắn gọn lý do buổi tưởng
niệm: “17.2.1979 là ngày quân xâm lược Trung Quốc theo lệnh của Đặng
Tiểu Bình, trắng trợn trở mặt, phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt
Nam. Chúng đã huy động 9 quân đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng phụ
trợ khác ước tính hơn nửa triệu quân với hơn 500 xe tăng, hơn 2000 khẩu
pháo, tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, sát hại dân lành, đốt
phá nhà cửa, cầu, đường, cướp bóc tài sản. Quân và dân ta đã ngoan
cường chiến đấu, chống trả quyết liệt, đánh những đòn quyết định buộc
chúng phải tuyên bố rút quân, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược nhục
nhã, hàng chục ngàn chiến sĩ ta đã dũng cảm hy sinh…”. Và ông đề nghị
mọi người để một phút cúi đầu tưởng niệm đồng bào chiến sĩ đã ngã xuống
trong các trận chiến đấu chống xâm lược Trung Quốc suốt từ 1979 đến cuối
thập kỷ 1980.
GS Tương Lai dõng dạc tuyên bố lý do buổi tưởng niệm
Một phút mặc niệm
Luật sư Trần Quốc Thuận
Từ trái qua: Cao Lập, vợ chồng nhà văn Hoàng Hưng, Hoàng Dũng
Mọi
người lại kéo nhau sang quán chuyện trò sau lễ tưởng niệm. Tôi ở lại
xem diễn biến “hậu tưởng niệm”. Nhận ra ngay một “người quen” ở an ninh
thành phố, từng “làm việc” với mình mấy buổi, từng đi theo mình suốt
buổi sáng một cuộc biểu tình không thành ở trung tâm thành phố. Tôi chủ
động hỏi: “Các anh có tính dẹp những vòng hoa này không?”. Anh hỏi lại
tôi: “Theo anh thì sao?”. Tôi đáp ngay: “Sao lại dẹp? Đây là lòng dân,
người dân làm cái việc mà nhà nước không làm được, thế là giúp nhà nước
đấy!”. Nhưng trong lúc ấy, một anh bảo vệ đã tiến đến gỡ tấm giấy lớn
nhất trên vòng hoa ở chính giữa. Đang đứng chụp cận cảnh các vòng hoa,
nhà tôi lấy ngay lại và cắm lại, anh không phản ứng. Nhưng hai thanh
niên ăn mặc kiểu “tay chơi” nhanh nhẹn tiến đến giằng lấy rồi gỡ tất cả
các bảng giấy khác, cuộn lại và bỏ đi ngay lập tức. Người cán bộ an ninh
đứng nhìn như vô can. Trước khi bỏ đi, anh còn nói như phân bua: “Chúng
ta đều là người Việt Nam mà!”.
“Lực lượng chức năng” quan sát từ xa
Rồi tiến tới tượng đài Đức Thánh Trần
Gỡ những băng giấy ghi khẩu hiệu
Hội ý
Đem băng giấy đi
Chúng
ta đều là người Việt Nam. Nhưng có một lằn ranh giữa người Việt Nam yêu
nước và người Việt Nam không yêu nước. Tôi thầm chúc cho anh và những
đồng nghiệp của anh không vì bất cứ lý do gì để mình vô tình bước qua
lằn ranh ấy!
H. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét